[HANU] Thể Dục Nhịp Điệu - Con Trai Học Có Sao?

Chào các bạn!

Lâu lắm rồi mình mới trở lại để lên blog tiếp theo. Hi vọng các độc giả thông cảm, khoảng thời gian vừa rồi mình khá bận với nhiều deadline của trường, lớp cũng như có khá nhiều sự kiện xảy ra nên mình không có nhiều thời gian chăm chút cho cái blog nghiệp dư này T.T


Hôm nay để comeback với blog mình sẽ chọn chủ đề về thể dục HANU để lên bài. Cũng phải nói trước với các bạn rằng, dịch bệnh và việc học thể dục online đã khiến cho nội dung học phần và hình thức thi cử khác rất xa so với việc học offline thông thường. Mình đã viết nháp ý tưởng bài này từ khi thể dục còn chưa học online nên chia sẻ của mình sẽ đúng với tình huống học off thôi nhé. Còn học online thì chắc các bạn phải tham khảo người khác rồi. Bắt đầu thôi nào. 


Như tiêu đề, hôm nay mình sẽ tiến hành mổ xẻ nội dung học phần "Thể dục nhịp điệu" tại khoa Giáo dục Thể chất HANU, cũng như phân tích tình huống nếu một SV nam HANU học môn này thì sẽ thế nào. 

Trước tiên, mình nhận thấy một thức tế là hầu hết SV tham dự các lớp học môn này đa phần là các bạn nữ, mỗi lớp may ra thấp thoáng bóng dáng của 2-3 nam nhân là căng. Với cái tên môn học nghe khá "nữ tính", nhiều bạn nam sẽ khá e dè khi đăng kí môn học này, vậy hôm nay hãy đề blog này giúp các bạn hiểu thêm về môn học và không còn chần chừ nếu muốn học nhé. Mình sẽ chia blog này thành các phần như sau

_____________________________________

MỤC LỤC

1) NỘI DUNG MÔN HỌC

2) NỘI DUNG THI GIỮA KÌ VÀ CUỐI KÌ

3) BUỔI HỌC TĂNG CƯỜNG VÀ TỰ LUYỆN CÙNG CÔ HOA LÝ 😂😂

4) MÔN HỌC NÀY CHỈ DÀNH CHO NỮ, CÁC BẠN NAM NẾU KHÔNG MUỐN BỊ CHÊ "YẾU ĐUỐI" THÌ ĐỪNG NÊN THAM GIA?

_____________________________________

1) NỘI DUNG MÔN HỌC

Thể dục nhịp điệu được đánh giá là một môn học dễ, được nhiều bạn tranh giành vì nghe đồn bảo dễ thở hơn mấy môn chạy hay bóng. Tuy nhiên, có qua được môn hay không thì nó lại là một câu chuyện khác nhé các bạn!

Tại môn học này, các bạn sẽ được học trọn vẹn một bài nhảy theo phong cách "dưỡng sinh" những vẫn phải dứt khoát trên nền nhạc của nhóm nhạc đình đám Modern Talking. Bài hát đó có tên "You Can Win If You Want". Nếu các bạn vẫn chưa hiểu được điều gì thì đường link dưới đây là dành cho bạn. Hãy xem nhé: Bài nhảy gây ám ảnh mọi thời đại

Vâng, bạn không nhầm, đó chính là những gì bạn sẽ phải đạt được sau một khoá học cùng cô Hoa Lý, hoặc có thể là cô Oanh. Mỗi buổi chúng ta sẽ được hướng dẫn khoảng 3-4 tổ hợp 8 nhịp giống như học nhảy ý. Sau đó sẽ lắp ghép dần và rồi đến cuối kì là có bài nhảy hoàn thiện.


2) NỘI DUNG THI CUỐI KÌ

Đợt mình học, nội dung kiểm tra như sau:

Giữa kì: thực hiện toàn bộ bài nhảy trên nền nhịp đếm, không nhạc

Cuối kì: thực hiện toàn bộ bài nhảy trên nền nhạc, không có nhịp đếm

Đợt học của mình có điểm đặc biệt hơn chút là thời gian học tập thì offline, nhưng đến lúc thi thì lại online. Do bởi dịch bệnh, chúng mình đã kết thúc đợt học thì đột nhiên không thể đi thi offline vì dịch. Chính vị vậy, bài giữa kì chúng mình được chấm điểm bằng hình thức quay video, còn cuối kì chấm thi trực tiếp qua Google Meet. Và may mắn, mình đã qua môn sau cả 2 bài thi.


3) BUỔI HỌC TĂNG CƯỜNG VÀ TỰ LUYỆN CÙNG CÔ HOA LÝ

Tự nhiên mình muốn dành hẳn một mục này để nói về đặc sản của lớp cô Hoa Lý. Cho bạn nào chưa biết, thì bất cứ môn học nào do cô Hoa Lý đứng lớp thì không kể nhịp điệu mà mọi lớp đều sẽ BẮT BUỘC phải có buổi tăng cường và tự luyện nhé. Dù muốn hay không, thì sẽ có và luôn có, và tất nhiên rồi, cả lớp sẽ đều phải tham gia và sắp xếp thời gian. Không tham gia thì có khả năng sẽ bị trừ điểm chuyên cần. Cái này mình cũng không biết tại sao đâu.

Theo như mình quan sát thì thường là một tuần có 2 buổi học chính, kèm theo đó là khoảng 1 buổi tăng cường, và 1 buổi tự luyện trong tuần. Thường là vậy thôi, còn con số này có thể tăng thêm, giảm xuống tuỳ tâm trạng của cô nhé. Các bạn cố gắng lên nhóm lớp cập nhật tình hình thường xuyên về lịch học và theo sát thông báo lớp trưởng để không bị lỡ mất lịch học nào.

Thông thường, buổi tăng cường được tính là một buổi "học thêm" có giáo viên, được coi là buổi học thứ 3, thứ 4 trong tuần. Còn buổi tự luyện thì là buổi học tự quản trong lớp với nhau, giáo viên thường không có mặt nhưng vẫn có thể đột xuất xuất hiện để kiểm tra ý thức. Buổi học này thường sẽ được bạn lớp trưởng và lớp phó đứng lớp, uốn chỉnh động tác cho các thành viên. 

Minh thì thú thực cũng không muốn có lịch tăng cường với tự luyện này, tuy nhiên luật đã ra thì mình cũng phải tuân thủ. Vì thế trước khi tham dự các bạn nên cân nhắc vấn đề này để không ảnh hưởng đến lịch trình cá nhân nha. Còn nếu không muốn có các buổi này, thì mình nghĩ các bạn có thể cố gắng tranh slot ở lớp của cô Oanh hoặc các thầy cô khác (trong tương lai).


4) MÔN HỌC NÀY CÓ PHẢI CHỈ DÀNH CHO NỮ, CÁC BẠN NAM NẾU KHÔNG MUỐN BỊ CHÊ "YẾU ĐUỐI" THÌ ĐỪNG NÊN THAM GIA?

Cuối cùng mình xin đi đến phần trọng tâm của bài blog này. Thể dục nhịp điệu có phải chỉ dành cho các bạn nữ?

Theo như sự thật mình đã nói ở đầu bài, tuy không có một luật nào đưa ra như vậy, nhưng bấy lâu nay vẫn có một sự thật ngầm hiểu rằng môn học này đa phần là cho các bạn nữ. Vì thế, bản thân mình (tác giả) cũng cảm thấy khá đắn đo thì khi tích chọn đăng kí môn này trên qldt. Đợt đó hôm lần đầu đến lớp, cả lớp mình chỉ có khoảng 4 nam, trên tổng sĩ số là hơn 40.

Sau đây là chút cảm nhận của mình sau một đợt học lớp nhịp điệu. Mình xin khẳng định, thể dục nhịp điệu sinh ra cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Điều duy nhất khiến các bạn nam có phần e dè khi tiếp cận môn học này đó là, thứ nhất lớp ít nam, thứ hai thấy có nhiều động tác lắc hông, nhún nhảy trông không được "nam tính" và "thẳng" cho lắm nên các bạn tránh xa, cứ như thế tạo thành một vòng luẩn quẩn. 

Để giải quyết vòng luẩn quẩn này thì không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy của mọi người và chính chúng ta. Mình nhận thấy một thái độ rất thường xuyên của mọi người khi biết bạn nam nào đó đăng kí môn học này sẽ đi từ bất ngờ, đến ngơ ngác, rồi đến cười cợt. Chính vì vậy, để bắt đầu những thay đổi đầu tiên, ta phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của chính bản thân và rồi mới đến mọi người. 

Bản thân chúng ta phải hiểu rằng, SV nam học thể dục nhịp điệu không có gì đáng đùa cợt cả, mỗi người đều dần thay đổi suy nghĩ như vậy thì các bạn SV nam sẽ không còn ngại ngùng nữa. Thứ 2, chính các bạn SV nam cũng cần tự trang bị cho mình bản lĩnh, sự tự tin để nhận ra rằng bản thân mình học môn gì là hoàn toàn do mình quyết định, không ai có quyền phán xét cả. Khoa còn không cấm SV nam học nhịp điệu, vậy tại sao các bạn lại tự giới hạn mình. Đúng không nào? Lớp học mở ra là chung cho mọi người, hãy tự tin lên nhé các chàng trai. Mình luôn ở đây để bảo vệ và lên tiếng cho các bạn.

__________________________________

Minh xin kết thúc blog tại đây, chúc các bạn có một kì học mới vui vẻ. Hi vọng rằng dịch bệnh sớm thuyên giảm để chúng ta được gặp lại nhau và có một năm Tết Nhâm Dần sắp tới thật vui vẻ, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý! Chúc mừng năm mới

Hẹn gặp lại mọi người trong bài blog tiếp theo. Gửi các bạn một chiếc link để xem giải trí, hãy vào xem nhé, đảm bảo không tốn thời gian của các bạn: 1 chút tiếng cười

Hãy nhớ "Không phải là bạn ghét thể dục nhịp điệu, chỉ là bạn nhảy chưa đúng nhạc thôi"

_____________________________________________________________________________________
❤️ ĐỪNG QUÊN KẾT NỐI VỚI MÌNH NHÉ:

_____________________________________________________________________________________


Comments

Popular posts from this blog

[HANU] Chạy Bền

[HANU] Bóng Rổ - Môn Học Của "Nhân Phẩm"