[HANU] Chạy Bền

 Xin chào các độc giả!

Có lẽ nếu bạn đang đọc những dòng này thì chúng ta đều đang có 1 mối quan tâm chung, đó chính là môn "CHẠY BỀN", còn được hiển thị trên trang web qldt với một cái tên mĩ miều hơn ("Chạy cự ly trung bình 800-1500m").


Đầu tiên nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần phải hiểu được "chạy bền" là gì?

Chạy bền là một môn học nằm trong bộ các môn chạy bao gồm 3 môn học: Chạy 100m, Chạy cự li trung bình 800-1500m (chính là môn "Chạy bền" sẽ được đề cập sâu trong bài viết này) và môn Nhảy xa.

Chạy bền là môn học yêu cầu các sinh viên chạy 1 quãng đường tương đối dài trong một thời gian được giới hạn cho trước. Nhiệm vụ của mỗi thí sinh đó là phải vừa chạy đủ quãng đường yêu cầu, vừa phải giữ được sức chạy và đồng thời về đích bằng hoặc sớm hơn thời gian được giao trước. Thời gian được đặt ra sẽ khác nhau giữa nam và nữ.

Mỗi 1 sinh viên kể từ khi nhập học cho đến lúc tốt nghiệp đều phải trải qua 3 môn thể dục bao gồm 2 môn thể dục tự chọn và một môn bắt buộc là Chạy bền. Nhìn chung, môn học trở thành 1 lời đồn lành ít dữ nhiều của các tiền bối HANU với các hậu bối.

Để gỡ rối những thắc mắc của mọi người, hôm nay, nhân lúc rảnh rồi anh/mình xin phép viết blog này để chia sẻ lại một chút kinh nghiệm học chạy bền tại HANU dựa trên những gì đã trải qua và kết quả cuối cùng: mình đã qua môn.

____________________________________________

MỤC LỤC

1) THỜI ĐIỂM HỌC CHẠY BỀN

2) THỬ THÁCH TRANH TÍN CHẠY BỀN

3) CHỌN LỰA GIẢNG VIÊN

4) CHUẨN BỊ TRƯỚC MÔN HỌC 

5) SỐNG SÓT QUA CÁC BUỔI HỌC

6) CHỈ TIÊU QUA MÔN

7) CHUẨN BỊ CHO CÁC KỲ THI 

8) THĂNG HOA VÀO BUỔI THI 

9) ĐU ĐƯA SAU KHI THI XONG

_______________________________________

1) KHI NÀO THÌ ĐƯỢC HỌC CHẠY BỀN?

Bất cứ khi nào bạn muốn, trong khoảng thời gian từ năm nhất cho đến năm tư (hoặc cũng có thể là năm sáu =))) ) và kì học nào cũng được. Kinh nghiệm đúc rút từ nhiều trường hợp cho mình một nhận xét là nên học môn này sớm nhất có thể khi đã sắp xếp được lịch. Bởi lẽ, chúng ta nên tính trước cho trường hợp nếu lần đầu học không qua môn, khi ấy, thời gian chưa bị dồn ứ và lịch học những năm cuối chưa chồng đống nên sẽ đỡ bị stress khi phải học lại. Nếu không, khi học lại mà lại stress không qua được rất dễ sinh ra chán nản, bỏ cuộc và càng lún sâu vào vòng xoáy, học lại - thi lại - học lại. Tránh có tư tưởng để môn khó xuống học sau cùng, vì như vậy như đã nói, khi phải học lại thì rất mệt mỏi.

Theo quan điểm của cá nhân anh/mình, thời điểm hợp lý nhất để bắt đầu môn học này có lẽ sẽ là kì 1 hoặc kì 2 năm thứ 2. Bởi lẽ đây là thời gian mỗi bạn sinh viên cũng đã có đủ thời gian để thích nghi với môi trường mới và chưa có thời khoá biểu dày đặc, áp lực trả nợ môn, ra trường hoặc thực tập. Đây cũng là thời điểm khá thong thả để chúng ta chuẩn bị một tinh thần thật Yomost để chiến đấu !!! 💪💪💪


2) TRANH TÍN CHẠY BỀN CÓ KHÓ KHÔNG?

Nói đến trường H và đặc biệt là trang web qldt thì chắc hẳn ai cũng biết đến rồi, anh/mình xin phép không nhắc lại để tránh những nỗi đau. Nhìn chung thì thể dục là một môn chung dành cho tất cả các khoa, ngành của trường nên vì thế, tỉ lệ cạnh tranh giành tín cũng cực kì căng thẳng. Tuy nhiên, cũng bởi lẽ vậy mà Khoa Giáo Dục Thể Chất cũng thường có xu hướng mở nhiều lớp môn này lên. Do đó nếu chú ý và cố gắng, cộng thêm chút may mắn thì không kì này thì kì sau, ai chúng ta cũng đăng ký được Chạy Bền.


3) NÊN HỌC LỚP CHẠY BỀN CỦA THẦY/CÔ NÀO?

Không có câu trả lời xác đáng nào cho câu hỏi này cả, bởi lẽ mỗi một thầy cô thì tuy sẽ có cách truyền đạt, giảng dạy và hình thức đào tạo, kỉ luật khác nhau, nhưng khi đi thi thì tất cả các thầy cô dạy bộ môn này đều phải tuân theo một quy định và chỉ tiêu về thời gian cho tất cả các sinh viên là như nhau, không lớp nào khác lớp nào. Vì vậy, hãy cứ thoải mái tự do lựa chọn bất cứ lớp nào mà chúng ta đăng ký được. Giảng viên đứng lớp không phải là một yếu tố quyết định quá nhiều đến cục diện việc chúng ta có qua môn hay không.


Đợt mình học môn này, mình học lớp của thầy Thắng. Một chút review cho bạn nào tò mò về thầy. Thầy Thắng cũng có tuổi rồi nhưng không vì thế mà thầy kém hăng hơn so với các thầy cô còn lại. Môn này của thầy thì thường thầy không giảng về những lý thuyết môn hàn lâm nhiều, mà chủ yếu thầy hay nói về những kĩ năng cần lưu ý khi chạy như kĩ năng lấy hơi, kĩ năng y tế khi gặp tai nạn hoặc là kĩ năng chạy sao cho bền mà không ảnh hưởng đến thành tích, bên cạnh đó còn là các mẹo tập luyện để tăng thành tích. Thầy hay kể về mấy chuyện cuộc sống, gia đình, cũng như xã hội và lịch sử vàng son của thầy. Bạn nào thích nghe thì sẽ thấy rất thú vị và cũng có nhiều thứ học tập được, còn bạn nào không thích lắm thì thôi, cứ coi như nghe mấy câu chuyện tầm phào xả stress tí thôi cũng được. Còn lại mình chưa có điểm gì thấy thầy chưa ổn. Đến thời điểm này có thể nói là vậy =)))


4) NÊN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI HỌC CHẠY BỀN?

Một tâm hồn đẹp và một trái tim thật ấm áp 🙂🙂🙂

____________ Hết _____________

(không phải đánh thiếu đâu) 


5) NÊN LÀM GÌ TRONG CÁC TUẦN HỌC CHẠY BỀN?

Lời khuyên đầu tiên của mình đó chính là hãy cố gắng tham dự đầy đủ các buổi học. Điểm chuyên cần và điểm danh đóng vai trò rất quan trọng trong việc bạn có được thi cuối kì hay không. Với 1 tín chỉ, mỗi tuần học 2 buổi, thời gian học chạy bền sẽ kéo dài trong khoảng 2 tháng. Đối với thể dục, thì vắng 1 hoặc 2 buổi là không được thi, nên có nghỉ thì cũng phải đi học bù. Với mình, bạn hãy cố gắng đi học ngay vào buổi học chính để tránh việc nghỉ học phải đi học bù dồn ứ cuối kì và trở nên bị động về thời gian, thậm chí là chống chéo lịch học các môn chính với học bù rất khó sắp xếp.

Lời khuyên thứ hai, hãy cố gắng có thành tích tốt vào những buổi tập duyệt trước khi thi giữa kì. Đó là bởi vì, chúng ta có thể kết thúc môn học ngay khi kì thi giữa kì diễn ra nếu có thành tích đạt chỉ tiêu cuối kì. Mình không dám chắc có phải đợt học chạy bền nào cũng thế hay không, nhưng vào đợt mình học, giữa kì có một cuộc thi chạy của trường và được coi là thi giữa kì luôn. Nếu bạn vượt qua kì thi này, thì điểm giữa kì sẽ được xét luôn cho cuối kì và bạn qua môn, không cần học nửa phần còn lại nữa. Tuy nhiên, phải chạy theo đề bài cuối kì. Vì vậy, nếu bạn muốn kết thúc mọi thứ nhanh chóng thì hãy tận dụng cơ hội này.

Vậy thì làm thế nào để có thể vượt qua các kì thi cử thuận lợi, chúng ta hãy đến với các phần tiếp theo.


6) CHỈ TIÊU QUA MÔN LÀ BAO NHIÊU?

Yêu cầu chung là điểm trung bình toàn học phần đạt ít nhất 4,95 (theo cơ cấu: 10% chuyên cần, 30% giữa kì, 60% cuối kì). Điểm giữa kì và cuối kì được tính theo thời gian chạy trong 2 bài thi, cụ thể:

* Với nam:

Giữa kì: 2,5 vòng sân, thời gian: 2 phút 40 giây

Cuối kì: 4,5 vòng sân, thời gian: 4 phút 40 giây

Đạt thời gian trên, được 5 điểm, về sớm hơn mỗi 10 giây được cộng 1 điểm, về muộn hơn mỗi 10 giây bị trừ 1 điểm

* Với nữ:

Giữa kì: 1,5 vòng sân, thời gian: ~1 phút 20 giây

Cuối kì: 2,5 vòng sân, thời gian: ~2 phút 20 giây

(Sorry các bạn, với nữ mình không nhớ rõ lắm 😅😅)

Đạt thời gian trên, được 5 điểm, về sớm hơn mỗi 5 giây được cộng 1 điểm, về muộn hơn mỗi 5 giây bị trừ 1 điểm


7) NÊN CHUẨN BỊ THẾ NÀO ĐỂ CÁC KÌ THI DIỄN RA THUẬN LỢI?

"Practice makes perfect"

Trước khi kì thi giữa kì diễn ra, các thầy cô thường sẽ phổ biến ngay về thời điểm thi giữa kì, cuối kì, và cả chỉ tiêu như ở mục 6. Trong vòng các tuần đó, các bạn sẽ được các thầy cô cho chạy thử để test thành tích. Nếu thành tích đạt đủ, thì quá tốt rồi, hãy luyện tập thêm để trụ vững. Còn nếu thành tích bạn mấp mé hoặc chưa đạt đủ thì cũng đừng quá lo lắng. Các ngày sau đó, hãy dành 1 chút thời gian sau giờ học, rủ một vài người bạn xuống chạy cùng, hoặc ngồi bấm giờ cho mình để có động lực cải thiện thành tích. Một khi thành tích được cải thiện, bạn sẽ càng có thêm động cơ thúc đẩy để cải thiện thêm nữa. Đó là cách mình đã dùng để qua bài thi và kết thúc học phần. 

Hãy lưu ý rằng, khi tự luyện tập, nên tập vào lúc cơ thể không quá đói hoặc quá no để tránh ngất xỉu hoặc đau bụng. Mình hay chọn thời điểm sau giờ học trên trường buổi chiều tầm 4h vì lúc đó trời vẫn sáng, không quá nóng hoặc quá lạnh. Hãy nhớ, khi đi học hay đi tập chạy, hãy mang nước đi theo để bổ sung nước cho cơ thể tránh oải. 

Thêm 1 tip nhỏ mà mình sử dụng, không biết với người khác có hiệu quả không nhằm giúp tâm trí không chịu bỏ cuộc giữa chừng. Đó là hãy nghĩ đến những điều tích cực khi đang chạy, đó có thể là một nhân vật truyền cảm hứng, một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, một khoảnh khắc hạnh phúc, bất cứ thứ gì mà các bạn thoải mái khi nghĩ về nó. Khi đó chúng ta sẽ tạm thời quên đi sự mệt mỏi thực tại và kiên định tiến về đích.

Với việc tập luyện đúng cách và cố gắng nỗ lực không bỏ cuộc thì mình tin, các bạn sẽ qua môn nhanh chóng thôi. "You better run, run, run" 


8) NÊN LÀM GÌ VÀO HÔM BÀI THI DIỄN RA?

Theo mình quan sát và theo truyền thống những năm gần đây, giờ thi thường được xếp là vào sáng sớm, trước tiết 1 và thi nhiều lớp cùng 1 lúc. Vì thế lời khuyên đầu tiên đó là hãy nhớ kĩ tên, mã lớp chạy bền của mình trước đó để không cuống vào hôm thi. Thứ hai, sáng hôm đó hãy dậy sớm, ăn sáng đầy đủ và nên ăn những thứ đồ có tinh bột để chắc dạ.  Tiếp theo, hãy ngay lập tức đến trường sớm nhất có thể để tránh những sự cố đáng tiếc như hỏng xe hay tắc đường. Trong trường hợp không có khả năng ăn sáng trước ở nhà, hãy đến trường thật sớm để mua đồ ăn ở trường để còn có thời gian cho dạ dày tiêu hoá trước khi thi. Khi đến trường, hãy đến sân vận động, tìm khu vực, hàng lối. của lớp mình, đứng đợi hiệu lệnh của các thầy cô và làm theo. Trong thời gian chờ đến giờ chạy, chúng ta có thể trò chuyện cùng các bạn bên cạnh để thư giãn và giảm bớt căng thẳng, tạo không khí thoải mái. Hãy nhớ trong thời gian chờ này chúng ta nên hoàn thành các việc như là, dán tên lớp lên thẻ sinh viên (để làm gì, tí nói), ăn sáng, khởi động cơ thể, chỉnh lại quần áo và đi vệ sinh. 

Đây là bối cảnh buổi sáng hôm mình thi bóng rổ, do mình không kịp quay lại video sáng hôm mình thi chạy bền nên lấy tạm để minh hoạ:

(6h30 sáng, SVĐ trường Đại học Hà Nội)

Bài thi sẽ được diễn ra như sau: sẽ có khoảng 10 thí sinh chạy 1 lượt, sau khi thầy phất cờ hô "xuất phát", đồng hồ bắt đầu chạy, lúc này các bạn phải để thẻ sinh viên trong người, chạy cho đến khi gần về đích thì đưa cho thầy (cô) ở vạch đích để kết thúc tính giờ. Lời khuyên của mình đó là không nên cầm thẻ sinh viên trên tay trong suốt quá trình chạy, mà hãy để trong túi quần có khoá của quần thể dục (quần không được thủng túi =)) ), chạy đến khi còn 1/4 vòng sân cách bàn giám khảo thì mở khoá, lôi dần từ túi ra và đưa cho giám khảo. Nên tránh rơi vào 2 tình huống sau đây, thứ nhất cầm thẻ sinh viên khư khư trên tay suốt từ lúc xuất phát cho đến lúc về đích và đánh rơi dọc đường (=> mất thời gian phải quay lại nhặt); thứ hai, để thẻ trong túi quần đến đích rồi mới nhớ lôi thẻ sinh viên ra, mãi không mở xong khoá (=> mất thời gian ở đích)

9) NÊN LÀM GÌ SAU KHI KÌ THI ĐÃ DIỄN RA XONG?

Ăn, ngủ, chơi và đợi đến ngày có kết quả 😎😎😎. Thường thì môn này kết quả đã có ngay từ lúc các bạn về đích, thời gian chúng ta chờ thực chất chỉ là thời gian chờ công bố chính thức. Nếu chịu khó nghe kĩ lúc về đích, thì khéo có khi biết ngay từ lúc về đích là mình trượt hay qua môn nhá 😉😉. 

Các bạn cũng nên nhớ đừng quên là phải học tiếp các môn còn lại trên lớp nhá, đừng có thi xong chạy bền là sống bê tha đến cuối kì là được 😂😂

_____________________________________________________________________________________

Lời cuối cùng mình muốn gửi tới các bạn sinh viên HANU sắp hoặc có thể là đang học môn Chạy Bền, đó là cho dù môn học này khá là lao đao và thậm chí là có thể khiến bạn mất gần nửa triệu để học lại. Tuy nhiên, sang năm mới, năm Tân Sửu, mình chúc tất cả các bạn hãy khoẻ như trâu để có thể xô đổ mọi khó khăn trước mắt.

Những chia sẻ của mình ở trên phần lớn xuất phát từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của bản thân. Điều này sẽ khiến cho bài viết mang tính chủ quan nhiều hơn là khách quan. Vì thế các bạn đọc hãy coi như đây là một chia sẻ nhẹ nhàng từ một người tiền bối và đừng quá đặt nặng tính chính xác đúng sai của nó lên cao quá. Những chia sẻ của mình có thể đúng, có thể sai, có thể hợp lý, cũng có thể chưa hợp lý, và trên hết mình không có ý định nói đạo lý với ai cả 😁😁; nên các bạn hãy tự học, tự trải nghiệm, tự cảm nhận và xem xem, câu chuyện của mình và câu chuyện của bạn có giống nhau không nhé!

Quay trở lại câu hỏi nằm ở tên của bài blog, có lẽ sẽ rất khó để trả lời rằng qua môn khó hay dễ. Sau tất cả, mình nghĩ khi đã đọc đến đây thì câu trả lời đã nằm sẵn trong suy nghĩ mỗi người rồi. Với mình, không có thử thách nào là không thể vượt qua được, bạn hãy luôn suy nghĩ tích cực và tin tưởng vào bản thân, sẽ đến ngày chúng ta say goodbye với môn học này thôi. 

Mình tự nhiên nhớ đến một câu nói của cô giáo dạy Văn cũ: 

"Đừng coi tảng đá trước mặt là vật cản đường bạn
Hãy coi nó là thềm đá nâng bạn bước cao hơn"

Vậy với các độc giả đang theo dõi, suy nghĩ của bạn về chủ đề này là gì, đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm hoặc suy nghĩ của mình phía dưới phần bình luận nhé! Mọi câu chuyện của bạn đều xứng đáng được lắng nghe! 

_____________________________________________________________________________________
❤️ ĐỪNG QUÊN KẾT NỐI VỚI MÌNH NHÉ:

_____________________________________________________________________________________

Nguồn ảnh: 
1) Unsplash
2) Đi Đu Đưa Đi - Bích Phương (Official Music Video)

Comments

Popular posts from this blog

[HANU] Thể Dục Nhịp Điệu - Con Trai Học Có Sao?

[HANU] Bóng Rổ - Môn Học Của "Nhân Phẩm"